Trong sứ điệp gửi đến các tín hữu Công giáo nhân dịp khởi đầu Mùa Chay, được công bố vào thứ Ba ngày 25 tháng 2, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi một sự hoán cải đích thực hướng tới tính hiệp hành và niềm hy vọng.

Vatican đã công bố vào thứ Ba ngày 25 tháng 2, sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp khởi đầu Mùa Chay, vào thứ Tư ngày 5 tháng 3 sắp tới. Trong văn bản này, đề ngày 6 tháng 2, trước khi nhập viện, Đức Giáo Hoàng mời gọi các tín hữu Công giáo thực hiện một cuộc hành hương hằng năm trong Mùa Chay Thánh bằng đức tin và niềm hy vọng “, được làm phong phú bởi ân sủng của Năm Thánh”.


Thiết lập sự song hành giữa khẩu hiệu của Năm Thánh 2025 (“Những người hành hương của niềm hy vọng”) và cuộc Xuất Hành khỏi Ai Cập, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định rằng không thể không gợi lên cuộc Xuất Hành trong Kinh Thánh mà không nghĩ đến rất nhiều anh chị em của chúng ta, ngày nay, đang chạy trốn khỏi những tình cảnh khốn cùng và bạo lực, lên đường tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính họ và cho những người thân yêu của họ”.


Đức Phanxicô nói thêm: “Tất cả chúng ta đều là những người hành hương”, và ngài cho rằng việc đối diện với thực tế cụ thể của những người di cư và người hành hương sẽ là một bài tập Mùa Chay tốt”. Ngài nhấn mạnh: “Để cho chúng ta được chạm đến để khám phá ra điều Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trở thành những người lữ hành tốt hơn trên đường về nhà Cha”, sẽ là một “bài kiểm tra” tốt cho người lữ hành”.

Hoán cải hướng tới niềm hy vọng.

Trong sứ điệp Mùa Chay, Đức Giáo Hoàng đưa ra lời kêu gọi thứ hai, đó là sự hoán cải hướng tới tính hiệp hành. Ngài kêu gọi: “Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trên con đường này”. Ngài xem tiến trình này như là “ơn gọi của Giáo hội”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục: “Bước đi cùng nhau là tiến bước bên cạnh nhau, không chà đạp hay thống trị người khác, không nuôi dưỡng sự ghen tị hay đạo đức giả, không để ai bị tụt lại phía sau hoặc cảm thấy bị loại trừ”.


Một chủ đề được Đức Giáo Hoàng yêu thích, người bác bỏ ý tưởng rằng các Kitô hữu là những lữ khách cô độc”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô liệt kê: “Trong Mùa Chay này, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta kiểm tra xem trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, ở những nơi chúng ta làm việc, trong các cộng đoàn giáo xứ hoặc dòng tu, chúng ta có khả năng bước đi cùng với người khác hay không, lắng nghe, vượt qua cám dỗ tự cô lập mình và chỉ lo lắng đến nhu cầu của bản thân”.


Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng đưa ra lời kêu gọi thứ ba để hoán cải: Đó là sự trông cậy, sự tin tưởng vào Thiên Chúa và vào lời hứa lớn lao của Người, sự sống vĩnh cửu. Đức Phanxicô đặt câu hỏi: “Tôi có xác tín rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của tôi không? Hay tôi hành động như thể tôi có thể tự cứu mình? Tôi có khao khát ơn cứu độ và tôi có cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa để đạt được điều đó không?”. Trích dẫn Thánh Teresa Avila – “Hãy trông cậy, hỡi linh hồn ta, hãy trông cậy. Ngươi không biết ngày giờ” -, Đức Giáo Hoàng kết thúc sứ điệp của mình bằng cách xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành cùng các Kitô hữu trên con đường Mùa Chay.

Mùa Chay và Sống Mùa chay

Mùa Chay bắt nguồn từ đâu?

Một cuộc chay tịnh kéo dài 40 ngày đã tồn tại ở Ai Cập vào cuối thế kỷ thứ III, kỷ niệm 40 ngày Chúa Giêsu trải qua trong hoang địa trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của Người. Vào thế kỷ thứ IV, việc đồng hành cùng các dự tòng tiến tới Bí tích Rửa tội đã làm nảy sinh việc thực hành Mùa Chay. Lần đầu tiên nó được đề cập rõ ràng tại Công đồng Nicea (325).


Mùa Chay bắt đầu vào Chúa nhật thứ 6 trước Lễ Phục Sinh. Vào thế kỷ thứ VI, ngày bắt đầu của nó được đẩy lên Thứ Tư trước đó, để có đủ 40 ngày chay tịnh, vì Chúa nhật không phải là ngày chay tịnh.


Việc xức tro, không còn dành riêng cho những người sám hối mà cho tất cả các tín hữu, được đề cập vào cuối thế kỷ thứ X bởi tu sĩ dòng Biển Đức Aelfric, viện phụ của Eynsham (Anh); tập tục này được mở rộng cho toàn thể Kitô giáo bởi Đức Giáo hoàng Urbanô II, tại Công đồng Benevento năm 1091.


Về cơ bản hơn, Mùa Chay bắt nguồn từ truyền thống Do Thái. Việc phủ tro là một hành động sám hối, thể hiện sự khiêm nhường trước Thiên Chúa, gợi nhớ đến bụi đất từ đó A-đam được tạo thành. Con số 40 xuất hiện hơn 90 lần trong Kinh Thánh. Nó vừa là biểu tượng của thử thách, vừa là biểu tượng của sự mật thiết với Thiên Chúa. Nó liên quan đến 40 ngày mà Môsê và tiên tri Êlia đã trải qua trên núi để gặp gỡ Thiên Chúa; đến 40 ngày trận đại hồng thủy trút xuống trái đất trong khi Nôê ở trong tàu, cùng với gia đình; đến 40 năm dân Do Thái hành trình trong sa mạc, tìm kiếm Đất Hứa. Con số này đã trực tiếp truyền cảm hứng cho từ “Mùa Chay”, xuất phát từ tiếng Latinh “quadragesima” và có nghĩa là “thứ bốn mươi”.

Diễn tiến của Mùa Chay như thế nào?

“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; “Hãy nhớ rằng ngươi là bụi đất, và ngươi sẽ trở về bụi đất”. Đó là một trong những câu nói mở đầu cho các nghi thức Thứ Tư Lễ Tro.


Những lời này sẽ được tuyên đọc vào ngày 5 tháng 3 trong buổi cử hành Thứ Tư Lễ Tro, khi vị linh mục dùng tro của những cành lá năm trước vẽ dấu Thánh Giá trên trán các tín hữu.


Mùa Chay kéo dài một tháng rưỡi và kết thúc vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô, mở đầu Tam Nhật Vượt Qua: ba ngày đánh dấu cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và sự phục sinh của Người vào Lễ Phục Sinh, ngày 20 tháng 4.

Những thực hành chủ đạo trong Mùa Chay là gì?

Ban đầu, Mùa Chay được cấu trúc xung quanh việc chay tịnh. Vào thế kỷ thứ IV, Thánh Augustinô nhấn mạnh việc thêm vào đó cầu nguyện và bố thí, cũng như tha thứ những xúc phạm.


Mức độ thực hành chay tịnh đã thay đổi qua nhiều thế kỷ và đã được giảm nhẹ sau Thế chiến thứ hai. Việc chay tịnh (một bữa ăn đạm bạc trong ngày) được Giáo hội quy định vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh; và việc kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro, các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay và Thứ Sáu Tuần Thánh.


Ngày nay, một số Kitô hữu tìm cách trở lại những thực hành khổ chế hơn: loại bỏ nhiều thức ăn và đồ uống hơn, cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, dành một giờ mỗi tuần cho người khác (đi phát thức ăn, gọi điện cho người cô đơn…), ngủ trên sàn nhà…


Cha Antoni Sébastien nhấn mạnh: “Mỗi người tự đặt ra giới hạn cho mình. Điều quan trọng không phải là thực hiện một kỳ công, mà là trải nghiệm sự trống vắng, sự thiếu thốn để dành nhiều chỗ hơn cho mối tương quan với người khác và với Thiên Chúa. Mùa Chay giúp chúng ta đổi mới ơn gọi của Bí tích Rửa tội, bắt nguồn từ truyền thống Kinh Thánh: ơn gọi tư tế, qua việc cầu nguyện; ơn gọi ngôn sứ, người chay tịnh để được nuôi dưỡng bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa; ơn gọi vương giả, người chăm sóc – qua việc bố thí – người nghèo và những người được giao phó cho mình.”


“Có ba hành động mà đức tin dựa vào…”


Trích từ bài giảng của thánh Pierre Chrysologue. Giờ Kinh Sách ngày thứ Ba tuần thứ ba Mùa Chay.


“Thưa anh chị em, có ba hành động, ba hành động mà đức tin dựa vào, lòng đạo đức hệ tại, nhân đức được duy trì: cầu nguyện, chay tịnh, và lòng thương xót. Cầu nguyện gõ cửa, chay tịnh đạt được, lòng thương xót nhận lãnh. Cầu nguyện, lòng thương xót, chay tịnh, cả ba làm nên một và trao ban sự sống cho nhau.


Thật vậy, chay tịnh là linh hồn của cầu nguyện, lòng thương xót là sự sống của chay tịnh. Đừng ai tách biệt chúng: cả ba không thể tách rời nhau. Ai chỉ thực hành một hoặc hai, người ấy không có gì cả. Vậy, ai cầu nguyện phải chay tịnh; ai chay tịnh phải thương xót; hãy lắng nghe người đang xin, và khi xin mong được lắng nghe; người không từ chối lắng nghe khi người ta nài xin, người ấy được Thiên Chúa nghe thấu.”

Nguyện xin Chúa ban Thánh Thần tái sinh tâm hồn chúng ta, mong anh chị đón nhận Ngài, hồi tâm thực sự và để Thiên Chúa làm cho anh chị em trở nên công chính.

Đọc thêm