Thần học gia sung mãn và Nhà lãnh đạo Giáo Hội thẳng thắng.
Ratzinger chào đời 16/4/1927 tại Bavarian miền Marktl am Inn, ngài là con út trong gia đình có ba người con, cha ngài là sĩ quan cảnh sát. Ngay từ nhỏ ngài đã có ước mơ trở thành linh mục nhưng do hoàn cảnh chiến tranh ngài không thể thực hiện ước mơ. Năm 16 tuổi ngài được lệnh nhập ngũ, ngài phục vụ tại đơn vị phòng không gần Munich sau đó ngài được chuyển sang chiến trường Hungary, tại đây ngài bị quân đội Hoa Kỳ bắt sau sáu tháng ngài được thả tự do vào mùa hè năm 1945.
Năm 19 tuổi ngài gia nhập Chủng viện Freising, ngài học triết và thần tại Đại học Munich. Ngài được truyền chức linh mục ngày 29/6/1951. Năm 1953 ngài lấy bằng tiến sĩ thần học với luận án về khái niệm “DânThiên Chúa và nhà Thiên Chúa trong học thuyết Augustinô”. Vài năm sau đó, ngài tiếp tục nhận văn bằng tiến sĩ thứ hai về nghiên cứu thần học thánh Bonaventure. Ngài dạy thần học tại Chủng viện Freising (1958), Đại học Bonn (1959-1963), tại Münster 1964-1966.
Từ năm 1962-1965, ngài tham dự Công đồng Vaticanô II, lúc đầu với tư cách riêng là cố vấn riêng của Hồng y Joef Frings Giáo phận Cologne và sau này là chuyên gia chính thức của Cồng đồng. Những hoạt động trong nghiên cứu thần học đã cho phép ngài trở thành những thành viên đầu tiên của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế.
Ngày 24/3/1977, ngài làm Tổng Giám mục Munich-Freising và ngày 27/6 ngài được Đức Giáo hoàng Phaolô VI vinh thăng Hồng y.
Ngày 25/11/1981 ngài giữ vai trò Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin.
Năm 1998, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Phó Niên trưởng Hồng y Đoàn, và năm 2002, ngài trở thành Niên trưởng Hồng y Đoàn.
Ngày 19/4/2005 ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng sau bốn lần bỏ phiếu tại Mật Viện. Ngài chọn tông hiệu là Bênêdictô XVI tiếp tục tinh thần của vị Giáo hoàng Hoà Bình, Đưc Bênêdictô XV.
Quan điểm thần học của ngài là “Chân lý sẽ giải thoát anh em”.
Theo ngài: “sống một đời thánh thiện là sống trong chân lý mà Thiên Chúa đã mặc khải qua Đức Giêsu Kitô. Người Kitô hữu trao phó chính bản thân mình cho chân lý cứu độ, và thánh hoá chính mình trong chân lý ấy”. Và “bất cứ ai sống như vậy nghĩa là rập khuôn đời mình theo những quy luật vĩnh cửu và nhận thức rằng nhân vị con người đã được thiết lập trong một mối tương quan nền tảng và nguyên thuỷ. Điều này, đòi hỏi con người phải từ bỏ những đòi hỏi bất chính trong việc tự định đoạt hoàn toàn, điều đó sẽ dẫn tới nguyên tắc ‘chân lý tuỳ thuộc vào chủ đề”’. Như vậy, “chân lý cứu độ đã được mặc khải hoàn toàn trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, như tình yêu thương con người vượt ra khỏi cái chết và được làm nổi bật trong truyền thống Kitô giáo”.
Đối với ngài vừa là người lãnh đạo Giáo Hội và đồng thời là Thần học gia ngài cũng gặp nhiều những khó khăn. Chính vì thế, ngài đưa ra hai hướng giải quyết: thứ nhất, không xuất bản với tứ cách cá nhân về tất cả những vấn đề đang chờ giải quyết ở Thánh Bộ và thứ hai, ngài tuân thủ một cách nghiêm ngặt tính khách quan của các quy trình buộc phải theo, ví dụ, nghiên cứu, điều tra công trình các thần học gia.
Từ những nguyên tắc làm việc đó, chúng ta có thể nhận thấy quan điểm thần học của ngài luôn bảo vệ Giáo Hội dưới nguy cơ của chủ nghĩa hiện đại, ngài trình bày các quan điểm một cách mạnh mẽ, triệt để, dứt khoát và với một niềm xác tín trong phong cách bút chiến nhằm để bảo vệ chân lý đức tin trước những nguy cơ dẫn đến sai lạc.
Trích Dẫn nhập-Tuyển tập Ratzinger