Sách đọc tháng 7

Để có thể hiểu được Kitô giáo, điều quan trọng là phải có một kiến thức tối thiểu về lịch sử, và hơn nữa một ý thức sáng suốt về lịch sử, ngõ hầu chúng ta tránh được hai điều: thứ nhất, tránh tuyệt đối hóa những điều mang tính chất đặc thù của một thời đại, hoặc những điều vẫn luôn xảy ra trong Giáo hội, vì Giáo hội chấp nhận những tiến triển, những thích nghi tùy theo nhu cầu mục vụ và những đòi hỏi truyền giáo. Thứ đến tránh tương đối hóa những điều vốn luôn luôn mang tính chất nền tảng trong đức tin và trong đời sống Giáo hội, những điều làm nên nền móng bất diệt của Kitô giáo.

Bayard Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả các sách thuộc chủ đề Lịch sử và Giáo phụ học:

266 TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG TRONG DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Trải qua dòng lịch sử 2000 năm của Giáo hội Công giáo, đã có 265 triều đại Giáo hoàng kể từ thánh Phêrô. Cho dù có những lúc “Con thuyền Giáo hội” phải đương đầu với nhiều phong ba, bão tố, nhưng “Con thuyền” ấy vẫn không bị nhấn chìm, nhờ bởi quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa, cùng với sự dẫn dắt của các Giáo hoàng, những Đấng kế vị thánh Phêrô.
Giáo hội của Chúa Kitô vừa mang chiều kích mầu nhiệm, thánh thiện, vừa mang đặc tính nhân loại, vốn yếu đuối, bất toàn và đầy dẫy những lầm lỗi. Đọc qua dòng lịch sử Giáo hội nói chung, và lịch sử các Giáo hoàng nói riêng, đôi khi chúng ta cảm thấy đau buồn, thất vọng, thậm chí là lên án gay gắt đời sống trụy lạc, suy đồi luân lý, vì những tranh chấp quyền lực, địa vị và lợi lộc vật chất. Tuy nhiên, lịch sử Giáo hội cũng chứng minh cho chúng ta thấy, rất nhiều Giáo hoàng có đời sống đạo đức, thánh thiện, hết lòng lo lắng cho Giáo hội, cho đoàn dân Chúa được trao phó cho các ngài.
Nhiều vị đã đổ máu đào, hy sinh tính mạng , nêu gương đời sống như những “mục tử theo lòng Chúa mong ước”. Nhất là trải qua dòng lịch sử Giáo Hội, với những trang đen tối ấy, chúng ta thấy rõ tình thương quan phòng của Thiên Chúa đối với nhân loại và Giáo hội của Ngài.

GIÁO PHỤ

“Giáo phụ học” (Patrologie, Patristique) là khoa nghiên cứu về các “Giáo phụ” (Pères de l’Église), thế nhưng trong thực tế nó bao trùm tất cả văn chương Kitô giáo của những thế kỷ đầu, kể cả những tác phẩm vô danh, bên lề, thậm chí cả những tác phẩm phi chính thống: nghĩa là mọi tư liệu văn chương thuộc Giáo hội cổ thời.
Ngày nay, giữa lòng phong trào trở về nguồn Kitô giáo, một trong những nét phong phú của thế kỷ XX, nghiên cứu về các Giáo phụ đã có một bước phát triển đáng kể. Việc trở về với các Giáo phụ đã thực sự đóng góp rất nhiều trong việc canh tân thần học cũng như phụng vụ trước và sau công đồng Vatican II và hiện nay nó đóng một vai trò chính yếu trong cuộc đối thoại đại kết giữa các giáo hội ly khai.
Nghiên cứu về các Giáo phụ không hề là một môn khảo cổ. Tính hiện đại của các Giáo phụ là điều có thực, không những vì ngày nay người ta quan tâm nhiều đến các ngài, mà một cách sâu xa hơn, vì các ngài là những chứng nhân của một lịch sử sống động, một lịch sử mãi mãi liên quan đến chúng ta và đôi khi hoặc ngay cả thường khi chính chúng ta đang sống, đang trải qua lịch sử đó trong tư cách là người Kitô hữu. 

Thời kỳ các Giáo phụ kéo dài từ hậu bán thế kỷ I thuộc kỷ nguyên này (những tác phẩm “Giáo phụ” đầu tiên xuất hiện cùng thời với một phần các tác phẩm Tân Ước) tới thế kỷ IV bên Tây phương và thế kỷ VII bên Ðông phương.

Tư liệu của chúng ta bao gồm các tác phẩm của các Giáo phụ Hy Lạp, các Giáo phụ Latinh, ngoài ra còn có những tài liệu được viết bằng ngôn ngữ Đông phương cổ: Syriaque (thổ ngữ phát xuất từ tiếng Aram) Copte, Aménien.

 Có thể coi thời kỳ từ khoảng hậu bán thể kỷ IV đến tiền bán thế kỷ V là thời kỳ rực rỡ nhất của Giáo hội cổ thời, với những nhân vật sáng chói cũng nhưphẩm chất các tác phẩm triết học, thần học, tu đức mà nó sản sinh. Nói một cách văn hoa thì đây có thể coi là “thời hoàng kim” của tư tưởng Giáo phụ và thời kỳ này sẽ chi phối trên tất cả giai đoạn kế tiếp.

Nhìn một cách tổng quát, thì từ thế kỷ IV – V trở đi, các Kitô hữu sống trong một Giáo hội ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống quần chúng, và vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội. Một Giáo hội ý thức về các trách nhiệm xã hội của mình, Hàng Giám Mục đôi khi phải hỗ trợ cho một quyền lực chính trị yếu kém, và do đó có tầm ảnh hưởng trên xã hội chứkhông chỉ dừng lại trong đời sống nội bộ. Giáo hội vừa hội nhập sâu xa hơn vào trần thế, nhưng cũng vì thế ngày càng mang dấu ấn của trần thế. Kitô giáo tiến đến gần điều vẫn quen được gọi là “chrétienté” (thế giới kitô) thời Trung cổ.